Hotline: 0916539439 Email: hotro@vicosap.vn

Tất tần tật những phong tục Tết cổ truyền của người Việt 

Ngày đăng: 05:18 AM, 21/10/2023 - Lượt xem: 1.9k

Những phong tục cổ truyền không chỉ là những hoạt động mang tính tượng trưng, mà còn là những điều gắn kết tình cảm của mọi người và còn làm trỗi dậy tinh thần dân tộc của mỗi người con Việt Nam.

Những phong tục cổ truyền không chỉ là những hoạt động mang tính tượng trưng, mà còn là những điều gắn kết tình cảm của mọi người và còn làm trỗi dậy tinh thần dân tộc của mỗi người con Việt Nam.

 

Tết Nguyên Đán cũng chính là việc mọi người trở về nhà sum họp, hỏi thăm nhau sau một năm dài xa nhà. Đây là một ngày lễ rất quan trọng với người Việt, bởi vậy trong ngày Tết cổ truyền này có những phong tục tập quán đã được lưu truyền từ xa xưa cho đến tận bây giờ và dần trở thành nét đẹp trong văn hóa ngày Tết, những phong tục này cũng chính là thay cho lời chúc một năm mới may mắn, bình an.

Tất tần tật những phong tục Tết cổ truyền của người Việt 

Cúng ông Công, ông Táo

Theo truyền thống của người Việt Nam ta, cứ vào ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Công, ông Táo lên thiên đình để báo cáo mọi việc trong gia đình nhà chủ với Ngọc Hoàng. Vào ngày này, mọi người thường dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, làm một mâm cơm cúng ông Công ông Táo để tiễn về chầu trời, đặc biệt trong nghi lễ này không thể thiếu mũ, áo mã bằng giấy và một hoặc ba con cá chép vàng được thả trong một chậu nước để ông Táo cưỡi về trời.

Ông Táo cũng chính là người đại diện cho sự ấm no hạnh phúc của một gia đình, gia đình ấy có sung túc, hạnh phúc, no ấm hay không là phụ thuộc vào bữa cơm gia đình.

Bởi vậy việc cúng ông Công ông Táo trong ngày Tết cũng chính là hình ảnh biểu tượng cho sự êm ấm, hạnh phúc của một gia đình, mong muốn sang năm mới sẽ ngày càng hòa thuận, hạnh phúc hơn. Sau nghi lễ tế ông Công ông Táo về trời cá chép được mang đi phóng sinh, cũng có gia đình không dùng cá chép thật, họ sử dụng cá chép bằng giấy sau đó hóa cùng mũ áo.

 

Làm lễ cúng tổ tiên

 

Theo phong tục của người Việt Nam, trong mỗi gia đình đều có một bàn thờ tổ tiên, ông bà, tùy vào từng gia đình mà có cách trang trí và sắp đặt khác nhau. Cứ đến cuối năm, mỗi gia đình đều lau dọn bàn thờ để chuẩn bị đón Tết, sau đó đến chiều 30 tháng Chạp, thức ăn và trái cây được xếp lên bàn thờ dâng lên ông bà tổ tiên để mong ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng với gia đình.

Đây cũng chính là việc làm thể hiện giá trị nhân văn, đạo đức, lối sống của người Việt, nhắc nhở con cháu phải biết giữ gìn đạo lý của gia đình, lối sống uống nước nhớ nguồn, không được quên nguồn gốc tổ tiên.

 

Dựng cây nêu

 

Tương truyền, hàng năm cứ đến năm mới ma quỷ lại đến phá đám, bởi vậy để xua đuổi tà ma và những điều không may mắn, ở mỗi nơi đều dựng cây nêu để báo hiệu rằng nơi đây đã có chủ, ma quỷ không được tới quấy nhiễu.

Cây nêu là một cây tre cao khoảng 5 đến 6 mét, ở ngọn cây thường treo nhiều thứ bằng giấy vàng bạc, bùa trừ tà, bầu rượu bện thêm bằng rơm, cạnh đó có treo một cái đèn lồng đèn nhỏ, vừa mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, những điều không may mắn, vừa mang ý nghĩa soi đèn để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Cây nêu được dựng từ ngày 23 tháng Chạp đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng thì được hạ xuống.

 

Gói bánh Chưng, bánh Tét

Bánh Chưng, bánh Tét là một món chưa bao giờ có thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Truyền thống gói bánh chưng, bánh dày là một phần không thể thiếu của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng cho Đất – Âm. Bánh dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời – Dương, thể hiện triết lý Âm – Dương. Bánh chưng dành cho Mẹ, bánh dày giành cho Cha. Bánh chưng bánh dày là thức ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.

Cả nhà cùng nhau dọn dẹp nhà cửa

Những ngày cuối năm, người Việt có phong tục quét dọn nhà cửa sạch sẽ, mua sắm đồ dùng, quần áo mới. Người lớn cũng dặn dò con cháu, trong giây phút chuyển giao sẽ không cãi cọ, không trách phạt hay mắc lỗi. Những người có hiềm khích với nhau cũng xí xóa hết, giây phút năm mới chỉ chúc tụng nhau những gì tốt lành và may mắn.

Bày mâm ngũ quả

 

Mâm ngũ quả là thứ đồ không thể thiếu được trên bàn thờ tổ tiên trong những ngày Tết của người Việt, tùy vào từng vùng miền mà có những loại quả khác nhau với những nét đặc trưng khác nhau, nhưng trên bàn thờ tổ tiên lúc nào cũng phải đầy đủ ngũ quả với mong muốn cầu một năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc, an khang, phú quý, mong sao một năm mới sẽ đầy đủ, sung túc hơn.

Cúng giao thừa

Thời khắc giao thừa luôn mang lại những cảm xúc thiêng liêng cho mỗi con người Việt

Cúng giao thừa thường phải làm hai lễ, một lễ cúng trong nhà và một lễ cúng ngoài trời. Sở dĩ người Việt Nam làm lễ cúng giao thừa vì niềm tin rằng: Một năm bắt đầu, ắt phải có kết thúc. Ý nghĩa của buổi lễ cũng là: bỏ hết đi những ân oán năm cũ, nghinh đón năm mới đến với tài lộc và những điều tốt đẹp.

Chơi hoa dịp Tết

 

Hoa là thứ đồ không thể thiếu trong mỗi gia đình vào những ngày Tết, nó tượng trưng cho sự may mắn ngày Tết, hoa nở càng đẹp, càng thơm thì ngày Tết càng tràn đầy.

Ở miền Bắc, người ta thường chọn cành đào đỏ để cắm trên bàn thờ hoặc cây đào, cây quất để trang trí trong nhà bởi hoa đào màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn còn cây quất càng nhiều quả thì chứng tỏ gia đình ấy càng nhận được nhiều lộc trong năm mới.

Ở miền Trung và miền Nam lại sử dụng cành mai vàng bởi theo quan niệm của họ, mai vàng tượng trưng cho sự cao sang của vua chúa thời phong kiến, là biểu tượng cho sự phát triển thăng tiến. Tuy mỗi miền một màu sắc, một sắc hoa khác biệt nhưng nó đều tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng cho gia đình.

Đi lễ đầu năm

Phong tục đi lễ chùa trong những ngày đầu của năm mới là một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt. Đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để cầu xin một năm mới may mắn, phúc lộc và tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với đức Phật, tổ tiên.

Hái lộc

Người Việt quan niệm những phong bao lì xì đỏ mang lại sự may mắn cho cả năm

Hái lộc đầu xuân là nét đẹp truyền thống trong năm mới của người Việt. Hái lộc thường được thực hiện vào đêm giao thừa hoặc sáng sớm mùng một Tết để cầu may mắn, rước lộc vào nhà.

Chúc Tết và lì xì đầu năm

 

T

Nét văn hóa này có từ thời xa xưa, chúc Tết không chỉ là truyền thống mà còn là một nét đẹp văn hóa trong ngày Tết, vào ngày mùng 1 tháng Giêng đầu năm mọi người trong gia đình thường cùng nhau đi chúc Tết bên nhà nội ngoại, mang theo quà cáp để mừng cho gia chủ.

Con cháu thì chúc thọ ông bà và người lớn tuổi sang năm mới sức khỏe dồi dào, may mắn, bình an sau đó được người lớn chúc lại kèm theo một phong bao lì xì nhỏ màu đỏ, có hình chữ nhật, bên trong đựng những đồng tiền mới với ý nghĩa chúc cho con cháu nhận được sẽ ngày càng được đạt được nhiều may mắn, thành công.

Tiền trong bao lì xì không quan trọng ít hay nhiều mà nó ở ý nghĩa và nét văn hóa ấy, nó tượng trưng cho tài lộc, cho sự may mắn của cả người cho lẫn người nhận.

 

Xem thêm: Tết đến rồi!!! Quà gì biếu ông bà, cha mẹ, quà nào tặng sếp đây???

Xin chữ đầu năm

Cứ vào dịp xuân đầu xuân năm mới mọi người lại rủ nhau đi xin chữ đầu xuân về treo trong nhà với mong muốn cầu cho những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình, người thân của mình. Từng nét chữ hiện ra, may mắn càng đong đầy hơn, cả người cho chữ và người xin chữ đều nhận được lộc đầu năm, mỗi người xin một chữ khác nhau với những mong muốn khác nhau nhưng tất cả đều mong một năm mới vạn điều mới, mọi sự tốt lành, gia đình con cái hòa thuận, êm ấm, đạt được những thành công trong cuộc sống.

Ngày nay, việc xin chữ ngày càng phổ biến, nó đã trở thành một nét đẹp trong truyền thống văn hóa người Việt cứ mỗi độ Tết đến xuân về. Chữ nghĩa thường mang giá trị ý nghĩa hơn những lời nói sáo rỗng, để lại bài học giáo dục sâu sắc hơn.

Tết là mở đầu của một năm mới, bởi vậy ai cũng mong mình sẽ đạt được những điều may mắn trong năm tới, do đó có những phong tục ngày Tết dường như đã ăn sâu bám rễ trong đời sống người Việt, trở thành một phần không thể thiếu, thành một thói quen trong văn hóa của người Việt, nó cũng chính là truyền thống tốt đẹp mà mọi người cần trân trọng và làm theo.

 

 

  • Địa chỉ: 253/5, Ấp 2, xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh
  • Hotline: 0917 837 577 - 0916 539 439
  • Mail:hotro@vicosap.vn 
  • Xem thêm các sản phẩm chế biến từ dừa sáp tại https://duasapvicosap.com/

 Nguồn: Tổng hợp từ internet

Hướng Dẫn Làm Thiệp 8/3 Siêu Đẹp Cho Người Phụ Nữ Đặc Biệt

Hướng Dẫn Làm Thiệp 8/3 Siêu Đẹp Cho Người Phụ Nữ Đặc Biệt

09:57 AM, 29/02/2024 1440
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 là dịp lý tưởng để thể hiện tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với phụ nữ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu cách tự tay làm thiệp 8/3 siêu đẹp, một cách sáng tạo và ý nghĩa để gửi đi những lời chúc ý nghĩa. Hãy cùng khám phá cách tạo ra những tác phẩm nghệ thuật nhỏ này!
Ý NGHĨA NGÀY VALENTINE TRẮNG VÀ LỜI CHÚC HAY

Ý NGHĨA NGÀY VALENTINE TRẮNG VÀ LỜI CHÚC HAY

02:34 AM, 12/03/2024 1505
Valentine trắng còn được gọi với cái tên khác là White Day, White Valentine.
Cách làm sữa chua uống mát lạnh “tít tắt” tại nhà 

Cách làm sữa chua uống mát lạnh “tít tắt” tại nhà 

03:58 AM, 22/04/2024 979
Sữa chua uống chứa rất nhiều hàm lượng dinh dưỡng tốt cho sức khỏe
MỪNG ĐẠI LỄ GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VÀ QUỐC TẾ LAO ĐỘNG MUA GÌ LÀM QUÀ CHO NGƯỜI THÂN 

MỪNG ĐẠI LỄ GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VÀ QUỐC TẾ LAO ĐỘNG MUA GÌ LÀM QUÀ CHO NGƯỜI THÂN 

01:29 AM, 25/04/2024 1167
Đại lễ Giải phóng miền Nam và Quốc tế Lao động. Những dấu mốc này không chỉ là những kỷ niệm về chiến thắng lịch sử mà còn là dịp để tôn vinh công lao của những người đã hy sinh và làm việc hết mình cho sự phát triển của đất nước.
OCOP 5 SAO